Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Người dân TPHCM chuẩn bị tâm thế mới sau ngày 15/9

Quang cảnh buổi họp báo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 11/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Đến dự có Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Hồng Sơn.

908 trường hợp F0 đang hỗ trợ phòng chống dịch

Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải thông tin, tính đến 18 giờ ngày 10/9, TPHCM có 286.773 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện đang điều trị 39.433 bệnh nhân. Trong ngày 10/9, có 3.392 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 147. 416 người.

Trong ngày, có 188 trường hợp tử vong và tính từ ngày 1/1 đến nay là 11.792 người tử vong. Số người tử vong đã giảm rất đáng kể. Ngày 22/8, trước khi bước vào đợt tăng cường giãn cách xã hội, con số tử vong là 340 người và hiện nay giảm còn 188 người. 

Về công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 9/9 đến 18 giờ ngày 10/9, TP đã lấy 597.776 mẫu, trong đó có 7.058 mẫu đơn và 8.422 mẫu gộp. Riêng về tiêm vaccine, đến ngày 10/9, đã tiêm 7.535.598 liều cho người trên 18 tuổi, tăng 227.860 mũi so với ngày 9/9,  trong đó 6.404.057 mũi 1 và 1.131.541  mũi 2.

Đối với công tác an sinh, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết: Từ ngày 15/8 đến 11/9, Trung tâm An sinh TP đã chuyển 1.778.660 túi an sinh cho 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, tăng 37.624 túi so với ngày 10/9. Đến ngày 10/9, TP đã có 908 trường hợp F0 đang hỗ trợ làm việc tại các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh Covid-19.

Viên chức, lao động TP được xét nghiệm Covid -19 Viên chức, lao động TP được xét nghiệm Covid -19

Trao đổi với báo chí về việc cài đặt quá nhiều app liên quan đến khai báo y tế, phòng chống dịch, người dân mong muốn có một ứng dụng tích hợp toàn bộ thông tin từ xét nghiệm, tiêm chủng, F0, giấy đi đường và cả Thẻ xanh Covid trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Từ Lương cho biết: TP đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch. Để thực hiện điều này, TP đã phối hợp Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TP (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử, tiêm chủng; đồng thời, đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành. 

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của TP (“Y tế HCM”) thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch. Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

Trẻ em F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày

Tại buổi họp báo, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP cho biết: Về trường hợp trẻ em là F0, thực hiện Công văn số 2209/UBND-KT của UBND TP về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ người đang điều trị, cách ly tập trung, trong đó, có trẻ em, tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị, cách ly y tế tập trung.

Công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng Covid -19 được hỗ trợ nhu yếu phẩm và rau sạch trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội Công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng Covid -19 được hỗ trợ nhu yếu phẩm và rau sạch trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội

Bên cạnh đó, theo Công văn số 2512/UBND-VX của UBND TP triển khai hỗ trợ đối với trẻ em, người dưới 16 tuổi đang điều trị do nhiễm Covid-19 (F0), hoặc cách ly y tế (F1), tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27/4 đến ngày 31/12; thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày đối với F0 và 21 ngày đối với F1.

Trẻ em còn được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế. Khi trẻ trở về nhà, sau khi điều trị và cách ly tập trung sẽ được chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể xác minh hoàn cảnh, hỗ trợ gạo, mì gói, sữa,... Nếu quá khó khăn thì kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân giúp đỡ.

Về trường hợp trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì Covid-19, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP, căn cứ Khoản 1, Điều 5, Chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP: Trẻ em mồ côi cả cha mẹ thì được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Theo đó, mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi; hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi; nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Thông tin về việc báo chí phản ánh có dị vật trong phần cơm của nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 8, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Ban đã cử đội thanh tra làm việc cùng Bệnh viện và Công ty cung cấp suất ăn. Theo đó, Bệnh viện đã ký hợp đồng cung ứng suất ăn với 3 công ty, trong đó có Công ty Beluga, 254 Linh Trung, TP Thủ Đức. Cụ thể, Công ty này cung cấp 1.500 suất ăn bệnh nhân và 900 suất ăn nhân viên y tế mỗi ngày. Trưa ngày 9/9, điều dưỡng Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 8 đã phát hiện trong dưa leo có sâu, và quay clip báo cáo Ban Giám đốc. Ngay sau đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã ngưng hợp đồng với Công ty này.

Hiện nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã tiến hành các bước xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp cung ứng suất ăn này. “Đây là bài học kinh nghiệm, cảnh báo tất cả các đơn vị đang cung ứng suất ăn cho các bệnh viện dã chiến, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân và nhân viên y tế”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Trả lời với báo chí liên quan đến thuốc kháng virus, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: TP vừa được bổ sung thêm 30.000 liều thuốc kháng virus (túi thuốc C), đủ đáp ứng nhu cầu điều trị cho F0 hiện tại. Tuy nhiên, đến ngày 9/9, chỉ có 86.000 F0 tại nhà nhận được túi thuốc A, túi thuốc B, 8.463 F0 nhận được túi thuốc C. “Thuốc kháng virus hiện là thuốc thử nghiệm, người bệnh phải được bác sĩ chỉ định và ký cam kết, nên số người bệnh sử dụng còn ít. Y tế địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp phát thuốc cho F0 tại nhà sao cho đúng người, đúng đối tượng và kịp thời”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh. Bà thông tin, đã có hiện tượng chợ đen bán thuốc kháng virus trái phép, cơ quan chức năng cần cảnh báo người dân và y tế địa phương hết sức thận trọng.

Tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình ghi nhận và đánh giá cao những phản ánh kịp thời của phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của TP trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Đồng chí Lê Hải Bình mong muốn, thời gian tới, các cơ quan báo chí cần truyền đạt thêm những thông tin tích cực đến người dân TP. Bên cạnh đó, ghi nhận những bất cập, phản ánh đến các cơ quan chức năng, góp phần cùng TP hoàn thiện các bước đi tiếp theo trong phòng, chống dịch. Các cơ quan báo chí cần chuyển tải về niềm tin, động viên tinh thần và giúp người dân TP chuẩn bị tâm thế mới sau ngày 15/9.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo