Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Ngành giao thông TPHCM nỗ lực 200% để đảm bảo tiến độ

Đột phá về giao thông sẽ giúp TPHCM đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngành giao thông vận tải TPHCM xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng công trình và cải thiện chất lượng dịch vụ giao thông đô thị”; nỗ lực 200% để đuổi kịp tiến độ dự án đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hai năm qua.

Công trường bắt nhịp lại sau dịch

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, và ngành giao thông cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều dự án, công trình tại TPHCM đã phải đóng cửa để phòng chống dịch. Công nhân nghỉ dịch về quê, máy móc nằm yên hoặc đưa đi các tỉnh, thành khác… Tuy nhiên, ngay khi TP mở cửa trở lại vào đầu tháng 10/2021, ngành giao thông nhanh chóng bắt nhịp, “thích ứng linh hoạt” để tiếp tục thi công.

Tại đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, những ngày này, các công nhân, kỹ sư vẫn đang miệt mài thi công. Nhóm thì lót nền vỉa hè, nhóm triển khai di chuyển hệ thống điện, các xe lu vẫn tới lui nhịp nhàng. Dọc hơn cây số, hai bên đường, người dân cũng tranh thủ dọn dẹp, “thi công” các hạng mục trước nhà mình để đồng bộ với con đường sắp tươm tất.

Trao đổi với chúng tôi, các công nhân và đại diện Dự án đường bộ 3 thuộc Ban Giao thông cho biết, tất cả quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, tăng mũi thi công, tăng ca để sớm hoàn thành khối lượng còn lại của công trình. Dự kiến công trình sẽ cơ bản hoàn thành, thông xe phần mặt đường chính trước Tết Nguyên Đán năm 2022 và hoàn thành toàn bộ công trình trong quý I/2022.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cho biết khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều công nhân về quê nên ngay sau khi bình thường mới, đơn vị nhanh chóng kêu gọi anh em trở lại, tập kết máy móc và đến nay có khoảng 1.200 cán bộ, công nhân, kỹ sư đang thi công trên 45 công trường của 25 dự án giao thông trọng điểm. Trong bối cảnh mà “bóng ma Covid-19” vẫn hiện hữu, đơn vị cũng đã lên phương án, chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó khi có sự cố, cố gắng hoàn thành các công trình sớm nhất, đưa vào phục vụ nhân dân như một món quà ý nghĩa trong năm mới.

Nhánh 1 cầu Bưng thông xe ngày 5/12/2021. Nhánh 1 cầu Bưng thông xe ngày 5/12/2021.

Nỗ lực 200% để bù đắp 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo Sở GTVT TPHCM, năm 2021, ngành giao thông đã giải ngân 93% tổng kế hoạch vốn, thấp hơn 4,2% so với cùng kỳ. Do dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đặt ra, công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm còn chậm do chưa được giao vốn chuẩn bị đầu tư; nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 bố trí cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu kế hoạch đề ra…

Kế hoạch năm 2022 của ngành GTVT TP được xây dựng theo hướng dịch bệnh sớm được khống chế, tình hình kinh tế trong nước và TPHCM ngày càng khả quan so với các tháng đầu năm 2021. Sở GTVT xác định chủ đề năm 2022 của Sở là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng công trình và cải thiện chất lượng dịch vụ giao thông đô thị”. Cụ thể, năm 2022 ngành cố gắng giải ngân trên 95%, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến Metro số 1 và khởi công tuyến Metro số 2; tập trung khởi công một số công trình trọng điểm như Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông An Phú... Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng, các dự án nạo vét đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa…

Trong phát biểu giao nhiệm vụ ngành giao thông vận tải ngày 11/1/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình cũng đánh giá, ngành giao thông vận tải TP đã có một năm nỗ lực vượt khó, đóng góp rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngay khi TPHCM mở cửa trở lại, Sở đã tham mưu cho UBND TP không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cơ bản không để ùn tắc hàng hoá, đảm bảo hoạt động vận tải, tổ chức tốt đưa người dân về quê…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hòa Bình đề nghị trong năm 2022, “Ngành giao thông với vai trò ngành đi trước mở đường cần tiên phong, tập trung xây dựng ngay kế hoạch năm để triển khai ngay từ đầu năm, nỗ lực 200% để hoàn thành nhiệm vụ bởi đã chậm 2 năm do dịch Covid-19”.

Ngoài ra, đồng chí Lê Hòa Bình cũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, thai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, phối hợp với các sở, ngành, công an TP thực hiện đồng bộ giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, đẩy nhanh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, ngành giao thông cần phối hợp trong rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM và TP Thủ Đức bởi giao thông có vai trò rất quan trọng.

Ngành cũng cần phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam để đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như Vành đai 2, 3, 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… Trong đó, cần phải tính toán điều chỉnh, suy nghĩ xa hơn để tránh tình trạng quy hoạch giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng dân số…

Đường Phan Thúc Vịnh dự kiến hoàn thành cơ bản vào trước Tết Nguyên đán 2022. Đường Phan Thúc Vịnh dự kiến hoàn thành cơ bản vào trước Tết Nguyên đán 2022.

Cần phải có nhiều giải pháp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng

Một trong những nút nghẽn trong xây dựng các công trình giao thông là công tác giải phóng mặt bằng, thường tốn gấp đôi, thậm chí hơn thời gian thi công công trình. Do đó, năm 2022, ngành giao thông vận tải TPHCM xác định đây là công tác rất then chốt để đảm bảo tiến độ các dự án.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, phía đơn vị đã kiến nghị TP các giải pháp như cần đưa ra mức giá bồi thường tiếp cận thị trường. Rút ngắn thời gian quy trình (cụ thể là theo Chỉ thị 17/CT-TU năm 2018 của Thành ủy); tăng cường năng lực cán bộ, nâng cao vai trò người đứng đầu và mong cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc; chủ đầu tư phải thể hiện sự chủ động, làm việc với địa phương giải quyết vướng mắc về giá, quá trình chi trả…

Tại lễ khánh thành nhánh 1 cầu Bưng nối quận Bình Tân với Tân Phú, công trình đầu tiên của TPHCM hoàn thành sau dịch Covid-19 tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã biểu dương đội ngũ công nhân, kỹ sư đã vượt khó để thi công công trình. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền TP cũng đặc biệt “Cảm ơn người dân bà con, nhân dân, các tổ chức cá nhân liên quan đã hy sinh lợi ích cá nhân để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, giúp công trình nhanh chóng hoàn thành, đưa vào phục vụ nhân dân”.

Toàn ngành giao thông đang cố gắng, nỗ lực cao nhất, huy động mọi nguồn lực xã hội để “tạo sự đột phá về giao thông” bởi chỉ có như vậy mới có thể “tạo đột phá trong phát triển”, góp phần giúp ngành giao thông TPHCM thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ, không chỉ của năm 2022 mà còn giai đoạn xa hơn sắp tới.

Trà An


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo