Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Một số đóng góp của Chủ tịch nước Lê Đức Anh đối với quá trình thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hiệp quốc (1945-1995), chiều 25/10/1995, tại Trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutros B. Ghali. (Nguồn: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) – Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức hàng loạt các sự kiện cho việc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 – 2020). 25 năm trôi qua, những thành tự quan trọng cho việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh, khoa học kỹ thuật... giữa 2 nước ngày càng phát triển. Mà “bước đệm” quan trọng không thể không nhắc đến người đặt những viên gạch đầu tiên góp phần thúc đẩy cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (1991, Đại hội VII) đã xác định đường lối đối ngoại của Việt Nam là: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, và “Thúc ẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ”. Như vậy, từ việc xác định Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa là đối tác chủ chốt ở Đại hội VI, đến Đại hội VII, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước. Trong bối cảnh đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã được tin tưởng giao trọng trách “mở đường” trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong thời gian làm Chủ tịch nước từ năm 1992 đến năm 1997, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là nhà chính trị, quân sự xuất sắc mà còn ghi những dấu ấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trên cương vị Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, chuẩn bị tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), chuẩn bị cho việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu…

Những hoạt động đối ngoại trên đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.

Đại tướng Lê Đức Anh là đại diện của Bộ Chính trị và là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc trong quá trình hai nước bình thường hóa quan hệ (1991); là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam sang thăm Campuchia sau khi thành lập Chính phủ mới (1993). Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng là nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) và gặp Tổng thống Mỹ (1995)… Các hoạt động đối ngoại của ông dù không nhiều, nhưng đều có trọng điểm, mỗi chuyến đi của ông đều đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.

Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển trong khai thông quan hệ Việt - Mỹ là sự kiện Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tháng 10 năm 1995. Việc mời nguyên thủ các nước đến New York dự phiên họp Đại hội đồng là quyền của LHQ, nhưng cho phép nhập cảnh vào Mỹ hay không lại tùy vào thiện chí và quyết định của Mỹ, trên thực tế đã có nhiều khách mời bị từ chối. Nhưng lần đó, ngay sau khi LHQ đưa ra lời mời và Việt Nam nhận lời, Chính phủ Hoa Kỳ đã lập tức chấp thuận chuyến công du của vị Chủ tịch đất nước Cộng sản – Lê Đức Anh, một “cựu thù” của 20 năm trước, lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Đặc biệt hơn, Tổng thống Mỹ đã nhận lời gặp Chủ tịch Lê Đức Anh bên lề cuộc họp tại trụ sở Đại hội đồng LHQ.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng vinh dự trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập LHQ và đọc diễn văn trước Đại hội đồng LHQ ngày 23/10/1995 tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Nhân dịp này, ông đã thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng LHQ phiên bản trống đồng Đông Sơn và chiếc trống này được đặt ở vị trí trang trọng tại trụ sở LHQ. Từ bao đời nay, trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn và nền văn minh Sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Hình ảnh trống đồng không chỉ là bảo vật quý báu của văn hoá Việt Nam mà còn là điểm hội tụ hồn thiêng sông núi được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và được tích tụ tinh hoa dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh.

Trống đồng Đông Sơn được phát hiện trên khắp lãnh thổ của nước Việt Nam đã chứng minh hùng hồn điều đó. Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiếc trống đồng đã là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hoá cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta. Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng – Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhớ lại thời khắc đó: “Trong tôi bỗng trào dâng niềm xúc động với ý thức lớn lao rằng: Biết bao mồ hôi, xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ ra suốt những năm chiến tranh giải phóng đất nước, vượt qua biết bao gian nan, thử thách ở chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa qua mới có được ngày hôm nay. Dân tộc Việt Nam từ bùn đen nô lệ, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã sánh ngang hàng với các quốc gia và dân tộc trên thế giới”.

Có thể thấy, các hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ chính trị với các nước, xóa nhòa những bất đồng chính trị, từ đó góp phần vào hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế của đất nước. Các hoạt động ngoại giao văn hóa lồng ghép trong những chuyến viếng thăm, trao đổi đoàn cấp cao như giao lưu văn hóa nghệ thuật, giới thiệu văn hóa Việt Nam hay một món quà nhỏ mang ý nghĩa văn hóa, rõ ràng đã đóng vai trò tích cực trong việc thay đổi cách nhìn nhận của các đối tác quốc tế đối với Việt Nam. Các hoạt động giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó đưa đến sự thân thiện và kết quả cuối cùng là những cam kết tăng cường hợp tác, thúc đẩy tình hữu nghị. Sự kiện Chủ tịch nước Lê Đức Anh thay mặt cho nhân dân Việt Nam trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros B. Ghali như một biểu tượng có ý nghĩa quan trọng cho ngoại giao văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập.

Ái Nhi


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo