Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Không những phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn văn hoá của đất nước

Thủ tướng trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).  Các chất vấn của ĐB xoay quanh vấn đề hội nhập kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế tư nhân...

Bảo đảm sự tự chủ của nền kinh tế

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhắc đến nguy cơ sản phẩm hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản có nguy cơ thua trên sân nhà. Vậy cần có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kinh tế hợp tác trong các điều kiện mở cửa thị trường, áp lực cạnh tranh lớn và hội nhập sâu?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nước ta hội nhập kinh tế sâu rộng, chúng ta không hội nhập thì không thể phát triển được, nhưng hội nhập thì phải có công cụ để phòng vệ thương mại, phù hợp với lộ trình hội nhập Việt Nam. Các quốc gia thường sử dụng hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật để phòng vệ thương mại. Chính phủ đề nghị doanh nghiệp, người dân đứng trên đôi chân của mình. Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA với các nước, song cũng cần có công cụ phòng vệ thương mại phù hợp, tức là sử dụng hàng rào kỹ thuật đúng quy định, đúng pháp luật. Nhà nước sẽ làm nhiều việc như sử dụng có hiệu quả công cụ phòng vệ, tạo môi trường kinh doanh tốt, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để thành công trong hội nhập. “Không phải là bảo vệ kiểu bảo hộ bao cấp, như thế sẽ không bao giờ thành công, điều đó cũng không được phép trong quá trình ký kết Hiệp định thương mại tự do”, Thủ tướng nói.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều này không có nghĩa là một mình, mà phải xây dựng nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, có khả năng chống chịu những biến động, cú sốc của nền kinh tế thế giới. Thủ tướng cũng báo cáo với Quốc hội nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ. Chính phủ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, lạm phát thấp. Việt Nam cũng đa dạng hoá, đa phương hoá mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập riêng một thị trường quốc gia nào.

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhắc đến câu nói của một chuyên gia kinh tế cho rằng muốn có Việt Nam hùng cường thì dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong, bứt phá trong tương lai. ĐB đề nghị Thủ tướng tới đây có những chính sách cụ thể gì để kinh tế tư nhân liên tục phát triển và Việt Nam có được “những người khổng lồ” đúng nghĩa?

Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước đã xác định kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước. Đặc biệt với kinh tế tư nhân, chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Đến nay kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. “Đảng, Nhà nước hoan nghênh những đóng góp của kinh tế tư nhân vừa qua và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về phát triển kinh tế đêm, Thủ tướng nói đây là sự năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới; nhất là khi Việt Nam mỗi năm đang đón tới 1,8 triệu khách du lịch quốc tế. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn quan tâm đến kinh tế ban đêm như một số nước châu Á. Cần tìm giải pháp để thu hút du khách nhiều hơn, để có sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, để du khách sớm quay lại. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng kinh tế đêm có những mặt trái, nên các cơ quan chức năng phải quản lý tốt, không để xảy ra tiêu cực.

Không để nền văn hoá lai căng

Một số ĐB chất vấn đề vấn đề phát triển văn hóa mang tầm chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc này là hết sức cần thiết. Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới thành công. Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có sức mạnh nền tảng rất lớn, phát triển văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, các dân tộc đều đoàn kết, thống nhất. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa.

Toàn cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Toàn cảnh phiên chất vấn Thủ tướng

Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về văn hóa, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi. Có nhiều thách thức về kinh tế thị trường trong phát triển văn hóa, chưa nền nếp trong hoạt động văn hóa, chưa thực hiện hiệu quả các cuộc vận động do cơ quan mặt trận, Đảng, Nhà nước phát động.

“Chúng ta không chấp nhận tình trạng văn hoá Việt Nam lai căng. Yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là không những phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn văn hoá của đất nước cho xứng đáng với truyền thống 4.000 năm lịch sử” - Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời cho biết, Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp về vấn đề này, trong đó có định hướng sắp tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý văn hoá, bỏ tư duy không quản lý được thì cấm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa cạnh tranh với toàn cầu, chấn chỉnh lệch lạc về văn hoá, đẩy mạnh truyền thông giáo dục về văn hoá.

“Phải giáo dục từ nhỏ để các em có văn hoá, có đạo đức, biết lịch sử dân tộc, văn hoá ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Cần chấn chỉnh những biểu hiện, hành vi mất văn hóa” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh...

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo