Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng phải có điều kiện quy định chặt chẽ

Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành, vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mặc dù không ít trường hợp lợi dụng việc không cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản của người khác, nhưng nguyên nhân của việc biến tướng đó là do chúng ta chưa thực hiện tốt việc quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này; đồng thời cũng chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là cơ chế thị trường, là nhu cầu thực tế. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội là không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng phải tiếp tục quy định tại danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như luật hiện hành và phải nghiên cứu bổ sung quy định với những điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này để khắc phục những biến tướng như đã xảy ra trên thực tế, không phải không quản được thì cấm.

Về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chủ tịch Quốc hội tán thành với việc loại bỏ 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung thêm một số ngành nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc thật kỹ việc bổ sung vào danh mục này những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ đúng quy định. Những ý kiến đề nghị bổ sung vào danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như kinh doanh nước sạch, sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, kinh doanh nghĩa trang, các vấn đề liên quan đến tâm linh, đến tổ chức sự kiện, trung tâm điều trị trẻ tự kỷ... cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung để quy định cho phù hợp trong Luật.

Về bảo lãnh Chính phủ đối với một số dự án quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục cân nhắc đối với quy định bảo lãnh Chính phủ đối với một số dự án quan trọng vì vấn đề bảo lãnh Chính phủ đã được quy định khá rõ trong Luật Quản lý nợ công. Nếu quy định vấn đề này trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) thì cần phải làm rõ ngoài các trường hợp nợ được Chính phủ bảo lãnh quy định trong Luật Quản lý nợ công và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thì còn những loại nợ nào cần Chính phủ bảo lãnh mà không phải là nợ công, không để trùng lắp, chồng chéo với Luật Quản lý nợ công.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như dự thảo của Chính phủ. Một số ý kiến khác đề nghị không quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mà ban hành một luật riêng hoặc một nghị định riêng về hộ kinh doanh.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, nếu như Luật Doanh nghiệp vẫn duy trì khái niệm hộ kinh doanh thì cần phải quy về quan hệ giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó. Việc duy trì tư cách chủ thể của hộ kinh doanh nguyên trạng như hiện nay là mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật dân sự. Vấn đề này cần được giải quyết sớm và phải giải quyết ở cấp văn bản luật mà không thể quy định ở cấp nghị định bởi đây là sự không thống nhất giữa hai văn bản luật là Bộ luật dân sự và Luật Doanh nghiệp. Hai văn bản đều do Quốc hội ban hành nên cần phải có sự thống nhất với nhau.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo