Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khởi nghĩa Nam kỳ - nét son đỏ thẫm trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - 80 năm đã trôi qua nhưng khởi nghĩa Nam kỳ vẫn là một dấu mốc quan trọng - một nét son đỏ thẫm, một khúc ca hào hùng và bi tráng - trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn và binh biến Đô Lương, khởi nghĩa Nam kỳ là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam cũng như của các dân tộc bị áp bức.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam (23/11/1940 - 23/11/2020), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức, tiếp tục chắt lọc và đúc rút những giá trị lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Quang cảnh hội thảo. Quang cảnh hội thảo.

Tập hợp sức mạnh toàn dân

Trước chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và quốc tế khi chiến tranh thế giới lần II bùng nổ (1939), Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ “phản đế” - giải phóng dân tộc lên trên hết, gấp rút quá trình chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 tháng 11/1939, Xứ ủy Nam Kỳ đã chủ động, quyết đoán cao trong xác định chủ trương, chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa. Rạng sáng 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức mạnh bão nổi của quần chúng nhân dân. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam Bộ, kể từ sau cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định, đây là lần đầu tiên nhân dân vùng lên, tiến hành cuộc “động binh” quy mô lớn chưa từng có, mức độ quyết liệt nhất với hào khí ngất trời và tinh thần chiến đấu ngoan cường, quật khởi. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc”.

Vì nguyên do chủ quan lẫn khách quan, khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi tới thắng lợi cuối cùng, bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man, dìm trong bể máu. Bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống, lực lượng nòng cốt cách mạng tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, không vì thế mà phong trào cách mạng bị thoái trào, những bài học kinh nghiệm xương máu được đúc rút, xem là bước tập dượt quan trọng để làm nên thắng lợi lịch sử cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong đó, việc tập hợp lực lượng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân được phát huy cao độ.

PGS-TS Trần Thị Mai, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trình bày tham luận về Vai trò của các đoàn thể quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong khởi nghĩa Nam Kỳ. PGS-TS Trần Thị Mai, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trình bày tham luận về Vai trò của các đoàn thể quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong khởi nghĩa Nam Kỳ.

Theo PGS.TS Trần Thị Mai (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), Đảng bộ TP Sài Gòn - Chợ Lớn vừa tranh thủ dựa vào những tổ chức tương tế, ái hữu, phường hội để thu phục đông đảo quần chúng, vừa chú trọng tổ chức quần chúng, thành lập những hội bí mật như Công hội, Nông hội, Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Hội phản đế. Đảng bộ đã tổ chức các hoạt động diễn thuyết, sử dụng tờ “Tiến lên” của Xứ ủy Nam Kỳ làm hiệu tuyên truyền sâu rộng vào các tổ chức đoàn thể của quần chúng, giác ngộ và tập hợp quần chúng. Từ tháng 3/1940, các đoàn thể quần chúng đã phát động nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, tại các xí nghiệp lớn như Ba Son, F.A.C.I, nhà đèn Chợ Quán, Trường Bách Nghệ, bến tàu…, công nhân đã tổ chức được các đội tự vệ, du kích. Ở khu vực ngoại thành, nông dân được tập hợp, tổ chức, hình thành các lực lượng du kích với quy mô từ tiểu đội đến trung đội.

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Tân trình bày tham luận “Công tác vận động quần chúng nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Tân trình bày tham luận “Công tác vận động quần chúng nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”.

Bàn về “Công tác vận động quần chúng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ”, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Lê Văn Tân nhận định tổ chức quần chúng ngày càng phát triển, nhất là nông hội, phụ nữ, thanh niên, tạo điều kiện tập hợp và giác ngộ quần chúng. Ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân Nam kỳ. Binh vận được xác định là một khâu quan trọng trong chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, nhất là binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp là con em nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc. Cùng phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “Không một người lính, không một đồng xu cho đế quốc chiến tranh”, Xứ ủy thành lập hai ủy ban chuyên môn binh vận. Nhờ công tác binh vận ráo riết, số binh sĩ có cảm tình với cách mạng ngày càng nhiều, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy cùng lực lượng khởi nghĩa. Với nhiều nỗ lực xây dựng các tổ chức chính trị quần chúng và kiên trì công tác binh vận, Xứ ủy Nam kỳ không chỉ tập hợp, giác ngộ đông đảo quần chúng nhân dân mà cả anh em binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp; tạo được sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng, kể cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Bài học về ý Đảng lòng dân

Thiếu tướng PGS.TS Vũ Quang Đạo trình bày tham luận “Từ Nam kỳ khởi nghĩa đến Nam bộ kháng chiến ở Sài Gòn - Gia Định, những trang sử hào hùng và kinh nghiệm lịch sử”. Thiếu tướng PGS.TS Vũ Quang Đạo trình bày tham luận “Từ Nam kỳ khởi nghĩa đến Nam bộ kháng chiến ở Sài Gòn - Gia Định, những trang sử hào hùng và kinh nghiệm lịch sử”.

Thiếu tướng PGS.TS Vũ Quang Đạo (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) nhấn mạnh việc quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, gắn chặt tình hình địa phương và cả nước, vận dụng sáng tạo và đúng đắn vào thực tiễn, đề cao vai trò tiên phong của Đảng trong lãnh đạo phong trào quần chúng. Nghiên cứu kỹ Nghị quyết Trung ương 6 sẽ thấy Trung ương đã hết sức đúng khi khẳng định phải xây dựng lực lượng quần chúng công nông: “Công nông là hai lực lượng chính của cách mệnh, sự đồng minh chặt chẽ của công nông là vấn đề sống chết của cách mệnh”; đồng thời phải chuẩn bị “bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc” song phải hết sức tránh những cuộc đấu tranh non, tranh đấu vô phương pháp, vô chuẩn bị…”. Mặt khác, đối với khởi nghĩa vũ trang, vấn đề thời cơ hết sức quan trọng, nắm đúng thời cơ của cả nước, có tính tới yếu tố quốc tế liên quan để bảo đảm rằng khởi nghĩa ở địa phương nằm trong quá trình tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Nghiêm túc đánh giá, thẳng thắn rút kinh nghiệm, chính Xứ ủy Nam Kỳ đã vận dụng những kinh nghiệm xương máu của khởi nghĩa Nam Kỳ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong phát động Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 và các chặng đường đấu tranh sau đó.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận tại hội thảo. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận tại hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học quý giá về xây dựng lực lượng cách mạng, về kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang và sự phối hợp giữa các tổ chức Đảng ở các địa phương trong toàn quốc, đặc biệt là việc nhận diện chính xác, vận dụng và thúc đẩy để tạo thời cơ - một trong những yếu tố quan trọng để giành thắng lợi, nhất là việc vận dụng lý luận về khởi nghĩa vũ trang. “Đó là những bài học về ý Đảng lòng dân, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào thực tiễn; về lãnh đạo và tổ chức lực lượng cách mạng, tổ chức quần chúng rộng khắp; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành dũng cảm, tiên phong, gương mẫu”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.

Ngọc Tuyết - Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo