Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khảo sát Khu Di chỉ khảo cổ học Quốc gia Giồng Cá Vồ, xã Long Hòa

Các đồng chí lãnh đạo huyện xem các hiện vật được khai quật tại Khu Di chỉ khảo cổ học Quốc gia Giồng Cá Vồ, xã Long Hòa

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 10/10, đồng chí Lê Minh Dũng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã có buổi khảo sát thực tế tại Khu Di chỉ khảo cổ học Quốc gia Giồng Cá Vồ, xã Long Hòa.

Cùng đi có các đồng chí: Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Trần Thị Thùy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện…

Được biết, tại Cần Giờ dấu tích cư trú của con người từ rất sớm, qua nhiều lần khảo sát và khai quật, các nhà khảo cổ học đã phác dựng lịch sử vùng đất Cần Giờ cách ngày nay giai đoạn khoảng 2.300 đến khoảng 3.000 năm qua các hiện vật thu được trong quá trình khai quật.

Với diện tích khai quật hơn 200m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện 224 di tích mộ chum và 15 mộ đất với mật độ dày đặc. Di chỉ cư trú dần trở thành khu mộ táng với tục hung táng trong mộ chum là chủ yếu. Di vật và đồ tùy táng ở Giồng Cá Vồ là vô số các kiểu đồ gốm mang phong cách của các nền văn hóa Đồng Nai, Sa Huỳnh, các trang sức khuyên tai 2 đầu thú, khuyên tai 3 mấu, vòng đá, hạt chuỗi bằng đá mã não, trang sức vàng, đồng, thủy tinh và từ vỏ nhuyễn thể.... Đặc biệt, tại Khu Di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ, đã tìm thấy Cà ràng - bếp lò gốm trong văn hóa Óc Eo. Đây là loại bếp gốm của cư dân sông nước Nam bộ và là vật dụng quen thuộc của cư dân nhiều nơi ở Đông Nam Á.

Khu Di chỉ khảo cổ học Quốc gia Giồng Cá Vồ thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ nằm trong số những di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cần được bảo vệ. Dự án được trùng tu, phục nguyên và là một quy hoạch phát triển du lịch sinh thái cho cả huyện. Triển khai thực hiện dự án Xây dựng đường vào, hàng rào dự án Trùng tu Khu Di chỉ khảo cổ học Quốc gia Giồng Cá Vồ, xã Long Hòa nhằm bảo quản, trùng tu, phục chế lại khung cảnh tự nhiên - xã hội vốn có của di tích, cảnh quan tự nhiên như các loại cây cỏ thực vật, sinh vật. Bên cạnh đó, các cảnh quan sinh hoạt và sản xuất của người xưa trên mảnh đất này cũng sẽ được nghiên cứu phục dựng. Các ngôi mộ cổ, cùng các hiện vật được khai quật, bảo quản và trưng bày tại chỗ làm cho khu di tích sống động hơn.

Sau buổi khảo sát, Thường trực UBND huyện sẽ có báo cáo cụ thể về tiến độ khai quật hiện nay, việc triển khai thực hiện dự án xây dựng đường vào, tường rào với Thành phố để Dự án sớm được triển khai thực hiện những bước tiếp theo.

Kim Linh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo