Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kết hợp nguồn lực xã hội hóa trong vận hành và phát triển thư viện tiên tiến hiện đại

Các em học sinh tự học, tự nghiên cứu tại thư viện.

(Thanhuytphcm.vn) - Thư viện trường học đóng một vai trò rất quan trọng, liên quan mật thiết với thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc, thói quen tự học, chiếm lĩnh tri thức của mỗi học sinh, hỗ trợ nguồn tài liệu, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên. Vì vậy, việc phát triển hệ thống thư viện tiên tiến - hiện đại cho các trường học trên địa bàn TPHCM là một dự án có tính thiết thực cao hướng tới mục tiêu đáp ứng sự nghiệp đổi mới giáo dục toàn diện của TPHCM.

Giải pháp thúc đẩy đổi mới giáo dục

Tại hội nghị bàn về giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TP và giới thiệu nguồn vốn kích cầu đầu tư của TP, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP đã phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) vừa tổ chức, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, “Dự án thư viện tiên tiến hiện đại" cũng là một trong hai dự án trọng điểm mà thường trực UBND TP giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo. Việc quan tâm đầu tư cho con người, đào tạo tuyển dụng cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn, khả năng đáp ứng yêu cầu mới, nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng công nghệ giúp nhà trường chủ động hơn, giúp các em học sinh tự học, tự phát triển bản thân là một đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam, TP đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thí điểm mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại tại 17 trường phổ thông trên địa bàn. Đến nay, thư viện tiên tiến, hiện đại đầu tiên tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đi vào hoạt động bắt đầu từ năm học 2019-2020. Đây là mô hình thư viện đầu tư theo hình thức xã hội hóa, phụ huynh đóng góp, ngân sách TP trả lãi vay.

Thầy Trần Ngọc Anh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, với mục tiêu phát triển giáo dục tiệm cận giáo dục quốc tế trên nền tảng một trường công lập và xây dựng cộng đồng học thuật trường chuyên, thư viện của trường được trang bị hệ thống máy chủ và 63 máy tính có thể tra cứu dữ liệu trực tiếp. Bên cạnh tài nguyên sách giấy với hơn 9.000 cuốn, kho tài nguyên số còn có 10.933 đầu sách điện tử gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, tác phẩm văn học, nghệ thuật… cùng nhiều tập tin phim ảnh, sách nói và hình ảnh tra cứu. Đặc biệt, thư viện tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS (Learning Management System) giúp giáo viên xây dựng kho bài giảng đã được số hóa và các phần mềm thực tế ảo hỗ trợ cho quá trình học tập, nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học...

Còn với trường Đại học Tôn Đức Thắng, thầy Tô Sanya Minh Kha, Phó Giám đốc Thư viện Trường cho biết, sau gần 3 năm hoạt động, thư viện phục vụ khoảng 3.000 lượt người đến sử dụng với 1.000 lượt sử dụng máy tính, 6.000 lượt tra cứu và khai thác tài liệu, 300 lượt sử dụng các phòng học nhóm/thuyết trình/ nghiên cứu cá nhân. Hàng tháng, Thư viện đều phối hợp với các khoa chuyên môn đánh giá hiệu quả khai thác Thư viện cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu của sinh viên và giảng viên; không ngừng tư duy tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của công tác thư viện.

"Thư viện trường đại học hay trường phổ thông đều có chung một nhiệm vụ cung cấp mọi tiện ích phục vụ công tác đào tạo và học tập. Để xây dựng được thư viện hiện đại, lãnh đạo các trường cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thư viện cũng như kế hoạch đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn, xem xét đầu tư từng bước hay đồng bộ; đồng thời tham khảo các mô hình thư viện tiên tiến kiểu mẫu của các trường trên địa bàn TP" - thầy Tô Sanya Minh Kha chia sẻ.

Một góc thư viện tiên tiến, hiện đại tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Một góc thư viện tiên tiến, hiện đại tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Đầu tư sao cho khả thi và hiệu quả

Mặc dù còn nhiều rào cản và khó khăn, song để đáp ứng yêu cầu phát triển chung, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ ngày càng cao, có chất lượng phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin, ngành GD-ĐT TP vẫn luôn nỗ lực, chủ động thực hiện các dự án mang tính thiết thực, được các cấp thẩm quyền của TP quan tâm, phê duyệt và có sự đồng hành của các Sở ban ngành, các đơn vị tài chính, đơn vị tư vấn đủ năng lực sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục, ưu đãi nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư để triển khai dự án đạt hiệu quả trong tình hình nguồn vốn ngân sách có hạn.

Sở GD-ĐT đã giới thiệu đến các trường một đơn vị tín dụng cho vay trực thuộc UBND TP là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), được thành lập vào năm 1997 với chức năng hoạt động gồm: Huy động vốn, cho vay, đầu tư, quản lý vốn ủy thác, thực hiện các dịch vụ tư vấn,... luôn bám sát với các chương trình trọng điểm của TP. Công ty cũng đã đồng hành và góp phần không nhỏ cùng với ngành giáo dục và đào tạo TP trong nhiệm vụ phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất của ngành trong nhiều năm qua.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng, hiện nay, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được hỗ trợ lãi suất vay tối đa 7 năm, tổng vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án. Thực tế hiện nay cho thấy, tổng mức đầu tư một dự án thư viện tiên tiến, hiện đại trung bình khoảng 15 tỷ đồng kết hợp với các điều kiện hỗ trợ, ưu đãi của TP thì việc các đơn vị chủ động đầu tư sẽ giúp đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình này tại các trường học trên địa bàn ở các cấp học. TP sẽ đầu tư kinh phí xây dựng, kết hợp nguồn lực xã hội hóa để vận hành và phát triển các thư viện tiên tiến hiện đại trở thành một điểm nhấn, trung tâm kết nối tại các trường học.

Đầu tư các thư viện tiên tiến hiện đại không chỉ giúp nhà trường thay đổi cách dạy và học từ bên trong mà còn góp phần vào sự phát triển chung của nền giáo dục tại những đô thị thông minh như TPHCM đang xây dựng. Thế nhưng để triển khai đồng bộ, tận dụng tối đa nguồn lực và tiết kiệm chi phí cần có sự vào cuộc của lãnh đạo ngành, địa phương, người đứng đầu nhà trường và cả đội ngũ giáo viên trong trường, sẵn sàng đổi mới, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp phù hợp xu thế mới. Đặc biệt, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh trong công tác xã hội hóa sẽ góp phần rất quan trọng trong việc đưa các dự án đầu tư thư viện tiên tiến hiện đại vào các trường.

Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo