Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 1/12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và kỷ niệm 25 năm thành lập Hội (1996 - 2021). Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện các bộ ngành, tổ chức xã hội và 457 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 21 triệu hội viên trên cả nước.

Khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, cả nước có 21 tỉnh thành có tổ chức hội. Đến nay, tổ chức hội đã phủ kín 100% địa bàn cấp tỉnh và huyện, trên 98% cấp xã. Số hội viên tăng lên hơn 21 triệu người, chiếm hơn 21% dân số của cả nước, bình quân mỗi năm có thêm hơn 850.000 hội viên, tăng hơn 210 lần so với ngày đầu thành lập.

Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ V, GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết, 5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, nhất là dịch Covid-19 hoành hành, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn tiếp tục phát triển và khẳng định nội lực của hệ thống hội khuyến học toàn quốc. Hội Khuyến học Việt Nam trở thành một lực lượng xã hội thực sự lớn mạnh, có phạm vi hoạt động trong cả nước. Hội đã và đang thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng xã hội, vận động toàn dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Hội được sự ủng hộ của nhân dân vì lợi ích của hội gắn liền với lợi ích của nhân dân.

“Nhìn lại 5 năm qua, có thể đánh giá tổng quát sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở nước ta đã vượt nhiều khó khăn, đạt thành tựu đáng nể”, báo cáo khái quát. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã ăn sâu, bắt rễ vào từng cộng đồng dân cư trong khắp cả nước. Nhân dân trong từng thôn bản, tổ dân phố đều tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước, phấn khởi tiếp nhận và thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, xã hội học tập đang từng bước được định hình rõ nét thông qua việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã và bước đầu hình thành các mô hình học tập cấp huyện và cấp tỉnh…

Trong giai đoạn 2021 - 2026, Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ hội viên đạt 25% so với dân số của cả nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Đẩy mạnh phát triển quỹ khuyến học nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn; tặng học bổng, phần thưởng cho học sinh, người lao động có thành tích tốt nhằm góp phần động viên, khuyến khích việc học tập. Cũng trong giai đoạn này, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình học tập với các chỉ tiêu cụ thể như: 50% số người trong độ tuổi lao động đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 70% số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; 65% số dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% số cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”..

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đọc diễn văn kỷ niệm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đọc diễn văn kỷ niệm

Tại buổi lễ, trình bày diễn văn kễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 25 năm, Hội Khuyến học đã lớn mạnh cả về chất và lượng. Tổ chức hội đã cơ bản phủ kín các xã, phường, thôn, bản, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn chặt với đời sống cộng đồng. Hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta, thúc đẩy từng người dân, từng dòng họ, từng bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Hội luôn gắn việc học của mỗi người dân với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "học không bao giờ cùng" như một triết lý của sự học hành, coi việc học như một quyển sách không có trang cuối cùng, càng đọc càng thấy tri thức như một biển cả không bờ bến, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm".

Đồng chí Nguyễn Thị Doan khẳng định, sự đóng góp lớn nhất và tập trung nhất của Hội Khuyến học Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua là đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung, đặc biệt là vận động phong trào người lớn học tập suốt đời: vì mục tiêu xây dựng và phát triển nhân lực chất lượng cao theo hướng tiếp cận nền kinh tế tri thức. Hội hướng mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài để tạo điều kiện cho mọi người có năng lực làm chủ tri thức, coi sự giàu có tri thức là yếu tố quyết định để con người phát triển bền vững, tạo nên sự giàu có về thu nhập và phát triển đời sống văn hóa phong phú của chính mình.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo