Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Học và nghiên cứu lịch sử trên tinh thần khách quan và nghiêm cẩn

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ về bộ sách “Loạn 12 sứ quân” và việc nghiên cứu lịch sử

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/9, tại Đường Sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1), chương trình giao lưu ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử “Loạn 12 sứ quân” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư do NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM tổ chức. Chương trình đã trở thành nơi chia sẻ những quan điểm của việc học và nghiên cứu lịch sử.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tên tuổi quen thuộc ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa - địa chí với hàng loạt đầu sách được đánh giá cao như: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Non nước Quảng Trị, Đường phố nội thành TPHCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán  học Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ... “Loạn 12 sứ quân” là tiểu thuyết lịch sử duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Tư, được xuất bản lần đầu vào năm 1990 do NXB Đồng Nai thực hiện với 6 tập riêng lẻ. Sau 30 năm, NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM tiến hành tái bản với nhiều hiệu đính chỉnh sửa hoàn thiện lại trong 3 quyển gồm: “Mộng bá tranh hùng - Vọng nguyệt đài”, “Hoa Lư anh hùng tụ nghĩa - Khói lửa kinh kỳ”, và “Mưu chước thiền sư - Vạn Thắng Vương”.

Tại buổi giao lưu, các độc giả cũng đã lắng nghe câu chuyện về tinh thần tự học, việc hình thành, duy trì thói quen đọc sách, sưu tầm soạn thảo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Đặc biệt, bạn đọc trẻ cũng tìm thấy sự khích lệ, cảm hứng cho việc học và tìm hiểu lịch sử. Nhiều bạn trẻ cho rằng bộ môn lịch sử trong nhà trường hiện chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh khi sách giáo khoa quá nhiều chữ, giáo viên chạy theo giáo án khô cứng khiến người học đâm ra sợ học sử khi bị “nhồi nhét” kiến thức. Anh Lê Văn Đức (ngụ tại Thanh Hóa, vào TPHCM công tác, tham quan Đường Sách và vô tình đến với buổi giao lưu) cho rằng nếu chỉ học sách giáo khoa rất khó khơi gợi tình yêu đối với lịch sử, bản thân phải mở rộng kiến thức từ nhiều nguồn.

Anh Nguyễn Văn Đức nói về việc học sử của người trẻ Anh Nguyễn Văn Đức nói về việc học sử của người trẻ

Bạn Ngô Kim Hải (Đại học Sài Gòn) cho rằng những tiểu thuyết lịch sử như “Loạn 12 sứ quân” góp phần khơi gợi hứng thú cho người học sử. Tuy nhiên việc đảm bảo cân bằng giữa cái cốt lõi chính sử và những hư cấu, phân tích tâm lý nhân vật phù hợp góp phần thu hút bạn đọc, nhất là độc giả trẻ là cần thiết nhưng lại không dễ làm. Đó cũng là yếu tố khiến tiểu thuyết lịch sử Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn người trẻ. Cái nhà trường cần làm không phải là cung cấp lượng lớn kiến thức lịch sử từ chương mà cần trang bị cho người học phương thức học tập, nghiên cứu để mỗi người biết cách tự học, lựa chọn kiến thức đúng đắn để dung nạp…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng cho rằng việc “văn nghệ hóa lịch sử” đúng cách là phương thức khiến lịch sử không còn khô khan mà trở nên sống động, hấp dẫn, kích thích lòng yêu thích tìm hiểu lịch sử của người trẻ hôm nay.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo