Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan - Người cán bộ kiên trung với Đảng, với Dân

Chân dung đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan

(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan sinh ngày 14 tháng 10 năm 1914 tại Hà Đông (nay là Hà Nội), là một trong những trung tâm cao trào đấu tranh dân chủ của cả nước. Từ cuối năm 1936, ảnh hưởng của cao trào đấu tranh đó đã tác động trực tiếp, mau lẹ, ảnh hưởng sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với tầng lớp thanh niên, thợ thủ công có tư tưởng tiến bộ, thôi thúc họ hành động.

Cuối năm 1936, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp, Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp phải cử một phái đoàn do Justin Godart dẫn đầu sang Đông Dương để điều tra tình hình lao động. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan cùng một số đồng chí ở xã La Nội đã vận động phong trào đón tiếp Godart. Đầu năm 1937 lại thành lập nhóm vận động kháng thuế ở liên xã La Nội và Ý La (Hoài Đức, Hà Đông), do tích cực hoạt động, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được cử vào ban vận động tỉnh. Sau cuộc biểu tình kháng thuế tháng 5 năm 1937 ở tòa xứ Hà Đông và ở đình làng Đại Mỗ, đồng chí bị bắt và bị tù ở Hà Nội 18 tháng, đến tháng 11 năm 1938 mới được thả ra.

Trong thời gian này, Chi bộ xã La Nội chính thức được thành lập (tháng 5 năm 1938), khi ra tù, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan chính thức được kết nạp vào Đảng và sau vài kỳ sinh hoạt với Chi bộ, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ thay đồng chí Dương Nhựt Đại - Bí thư đầu tiên của Chi bộ đồng thời cũng đang là Bí thư lâm thời của Tỉnh ủy Hà Đông, do nhiều việc nên thôi không kiêm nhiệm nữa.

Cuối năm 1939, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được cử vào Phủ ủy Hoài Đức (Hà Đông) nhưng vẫn kiêm nhiệm Bí thư Chi bộ xã La Nội. Đầu năm 1940 thì thoát ly khỏi địa phương[1].

Cuối tháng 10 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ điều động đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan (bí danh Hồng Châu) về tăng cường cho Mặt trận số 4 (từ Phú Lâm đến Thủ Thiêm), tham gia Ban Cán sự Đảng Mặt trận số 4.

Trước Hiệp định sơ bộ (06 tháng 3 năm 1946), ở Cần Giuộc, các đồng chí lãnh đạo địa phương tổ chức Hội Nông dân Cứu quốc làm cơ sở phát triển Mặt trận Việt Minh, thành lập Quận bộ Việt Minh lâm thời do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm chủ nhiệm. Đang trong thế mất liên lạc với Tỉnh ủy, Quận ủy Cần Giuộc cũng tổ chức lại Quận ủy lâm thời (lấy tên công khai là Ban Chấp hành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Cần Giuộc) do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Bí thư.

Ngày 1 tháng 4 năm 1946, Quận ủy lâm thời Cần Giuộc triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ quận để thành lập Quận ủy chính thức, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được bầu làm Bí thư. Cũng trong ngày này, Quận bộ Việt Minh chính thức được thành lập do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Chủ nhiệm.

Đầu tháng 5 năm 1946, Ban Cán sự Đảng của tỉnh Chợ Lớn triệu tập Hội nghị cán bộ của Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn. Hội nghị xác định: Đoàn kết, thống nhất toàn Đảng bộ, thống nhất tư tưởng, thống nhất tổ chức, thống nhất hành động, quyết tâm cao, bám sát cơ sở, hòa mình với quần chúng, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, lực lượng vũ trang, ra sức xây dựng các vùng tự do làm bàn đạp tiến vào các vùng tranh chấp, vùng tạm chiếm. Đặc biệt về xây dựng Đảng, cần xây dựng lại các chi bộ đang tan rã, củng cố các chi bộ đang xộc xệch, yếu kém; chấn chỉnh Tỉnh ủy, tiếp tục củng cố các Quận ủy, đảm bảo thực hiện sự lãnh đạo của Đảng ở tỉnh Chợ Lớn trên mọi lĩnh vực, tổ chức các lớp chính trị ngắn hạn để nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên. Hội nghị tiến hành củng cố lại Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn, cử ra Tỉnh ủy do đồng chí Hồ Văn Long làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan (huyện Cần Giuộc) được cử tham gia Tỉnh ủy.

Tháng 11 năm 1946, đồng chí Hồ Văn Long được điều lên Thanh tra chính trị miền Đông, Tỉnh ủy Chợ Lớn họp Hội nghị tại Gò Xoài phân công đồng chí Trần Trung Tam làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan là Ủy viên Thường vụ phụ trách Tuyên huấn, Dân vận.

Tháng 1 năm 1947, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan về phụ trách Hội Nông dân Nam Bộ.

Tháng 11 năm 1948, tỉnh Chợ Lớn đã hoàn chỉnh hệ thống cơ quan Mặt trận Liên Việt, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan thay đồng chí Nguyễn Việt Hải (cử về Sa Đéc) phụ trách Mặt trận Liên Việt tỉnh Chợ Lớn.

Năm 1949, Xứ ủy cử đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan trở lại tăng cường cho Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn.

Tháng 2 năm 1950, Tỉnh ủy Chợ Lớn triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh tại Ngã Sáu (nơi gặp nhau của nhiều con kênh ở Đồng Tháp Mười, xã Mỹ An, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho). Hội nghị bầu Tỉnh ủy mới do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan (Hồng Châu) làm Bí thư, đồng chí Tạ Văn Hảo làm Phó Bí thư.

Tháng 6 năm 1951, một phần tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định sáp nhập với tỉnh Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Định Ninh.

Năm 1954, là Phó Bí thư Tỉnh ủy và Chính trị viên Tỉnh đội Gia Định Ninh[2].

Tháng 4 năm 1956, được Trung ương điều động về nhận công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, đến tháng 7 năm 1956 là Phó Trưởng Ban Cơ yếu Trung ương.

Tháng 2 năm 1957, do Ban Cơ yếu Trung ương cần đặt bên quân đội nên đồng chí được biệt phái sang quân đội.

Tháng 12 năm 1960, đồng chí được điều động sang làm kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao[3].

Đồng chí mất ngày 3 tháng 7 năm 2004, thọ 90 tuổi.

Trong quá trình chiến đấu và công tác, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

- Huân chương Độc lập hạng Nhất.

- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

- Huy chương Chiến thắng hạng Hai.

- Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)

---------

[1]  Sơ lược lý lịch tự khai và bổ sung lý lịch của đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan, các quyết định điều động, sao tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

[2]  Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015.

[3]  Sơ lược lý lịch tự khai và bổ sung lý lịch của đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan, các quyết định điều động, sao tại Kho lưu trữ Trung ương Đảng.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo