Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đến năm 2030, hình thành tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam tại TPHCM

Khách hàng chọn lựa mua hàng tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định 1891/QĐ - UBND ngày 8/5/2018 về triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo quy hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, đóng góp của ngành dịch vụ đạt tối thiểu 58% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn). Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8,55% đến 11,53%/năm và tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 7,78% đến 10,88%/năm. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10,89% đến 14,02%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 11,6% đến 12,52%/năm. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại đến năm 2025 đạt tối thiểu 50%.

Định hướng giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6,82% đến 9,06%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 6,77% đến 9,34%/năm. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%.

Để đạt các mục tiêu trên, TPHCM cũng đề ra các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch như: Đối với mạng lưới chợ, xây dựng, hoàn thiện các công trình phụ trợ (bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng,…) và nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng chợ đã xuống cấp, đồng thời phát huy hết công suất hoạt động của các chợ hiện hữu; tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác. Rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ chợ đối với những chợ hoạt động không hiệu quả.

Đối với siêu thị và trung tâm thương mại, thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp (DN) bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh chóng để đến năm 2025 - 2030 hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. Xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP giai đoạn từ nay đến năm 2020 trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của dự án cụ thể.

Đối với cửa hàng bán lẻ, khuyến khích DN đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại các khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế, đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. Khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang các mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo