Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đẩy nhanh tiến độ bảo tồn cảnh quan di tích đô thị

Quang cảnh hội thảo.
(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 10/6, Báo Thanh niên tổ chức hội thảo bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại. 

Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TPHCM Trương Kim Quân cho biết: TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước nên tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh, dẫn tới việc bảo tồn di tích gặp khó khăn, nhất là trên địa bàn Quận 1, 3, 5. Trong khi đó, công tác tu bổ di tích phải chịu sự chi phối bởi nhiều luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… với nhiều quy trình.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn TP, các chủ sở hữu di sản kiến trúc chưa đồng thuận, băn khoăn hoặc ngại việc xếp hạng di tích, vì sợ kiểm kê, xếp hạng sẽ giới hạn việc sửa chữa, không còn đảm bảo sử dụng, hoặc chờ ý kiến cấp trên, nhất là công trình tôn giáo, thuộc ngành dọc như Bưu điện TP hoặc do chưa đáp ứng quyền lợi như chủ sở hữu các công trình khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông ở Quận 5. Ngoài ra, việc quản lý và khai thác di tích chưa đồng bộ dẫn tới nhiều di tích xuống cấp trong khi trông chờ chủ yếu vào ngân sách TP.

Trước tình trạng trên, Trung tâm bảo tồn di tích TPHCM đề xuất việc hoàn thiện hệ thống pháp lý xếp hạng di tích nhằm quản lý thống nhất; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bảo tồn cảnh quan di tích đô thị trên địa bàn có tính đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh thay vì chỉ tập trung vào các biệt thự. Cùng với đó, cần có chính sách linh động, nhiều di sản kiến trúc đô thị không nhất thiết phải xếp hạng vì khi xếp hạng sẽ bị ràng buộc nhiều quy trình khắt khe, dẫn tới việc bảo tồn càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần giải quyết hài hoà lợi ích xã hội và chủ sở hữu theo hình thức chuyển quyền phát triển bất động sản, từ đó mang lại cho chủ nhân di tích khoản tiền lớn để nhận được sự đồng thuận.

Trụ sở UBND TPHCM là một công trình kiến trúc cổ. Trụ sở UBND TPHCM là một công trình kiến trúc cổ.

Cho rằng các di sản bị phá hủy hiện nay là do yếu tố thiên nhiên cùng với nguyên nhân từ xã hội, PGS.TS.KTS Trần Văn Khải đề xuất, để bảo tồn di sản kiến trúc đô thị phù hợp cần phải dựa trên phương pháp là bảo tồn một số công trình kỷ niệm thuần, bảo tồn công trình như một vật thể sống. Trong đó, cần lưu ý rằng, không nhất thiết phải khôi phục y nguyên như cũ, đồng thời tránh phương pháp bảo tồn kiểu mặt tiền giả. Bên cạnh đó, cần xem xét đến giải pháp lâu dài là biến bảo tồn thành nguồn lực cho sự phát triển. Trong đó, ba công cụ mà Nhà nước có thể sử dụng là quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng cơ sở và chính sách thuế. Lúc này, các chính sách của Nhà nước không nên dừng lại ở quy chế bắt buộc mà phải nâng đỡ, bảo vệ quyền lợi người dân sống trong hoặc xung quanh di sản đó.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử TPHCM cho rằng: Giá trị di sản là ký ức đô thị, nếu không có ký ức này thì đô thị sẽ không thể sống lâu. Khu trung tâm TPHCM chứa đựng các giá trị di sản, giá trị lịch sử lớn nhất nên không thể đánh đổi. Do đó, với vai trò quyết định việc bảo vệ phát triển di sản, chính quyền phải có tầm nhìn chiến lược bằng quy hoạch và thực thi quy hoạch đô thị, thực hiện nghiêm những luật lệ, chế tài liên quan đến bảo tồn di sản. Còn các nhà đầu tư cần có trách nhiệm với cộng đồng, không chỉ tính đến giá trị lợi nhuận mang lại ở những khu đất mà phá dỡ di sản kiến trúc. 

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo