Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Công bố công khai tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã có Báo cáo số 100/BC-CP ngày 5/4/2018 về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 gửi đến Quốc hội. Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp UBTVQH sáng nay, 12/4.

Báo cáo nhận định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Tuy nhiên, công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, nợ đọng thuế còn lớn. Ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa tốt, nên kết quả còn hạn chế…

Nợ không có khả năng thu hồi tăng

Theo báo cáo, tổng nợ thuế tại thời điểm 31/12/2017 là 73.145 tỷ đồng, giảm 2.108 tỷ đồng (-2,8%) so với 31/12/2016. Đáng lưu ý là trong khi nhiều khoản nợ thuế khác giảm, thì tiền nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là 31.469 tỷ đồng, tăng 5.997 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016.

Một lĩnh vực khác còn có sự lãng phí lớn là phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư. Mặc dù cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ đã được cải thiện cả về kỳ hạn và lãi suất, góp phần tiết kiệm NSNN, giảm áp lực về nợ công (đến ngày 31/12/2017, dư nợ công bằng khoảng 61,3% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 45% GDP, trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép), song việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận là còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Một số dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ đã phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay.

Với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đồng bộ, Chính phủ cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, tuân thủ định mức xe ô tô chuyên dùng; xử lý số xe dôi dư theo đúng quy định của pháp luật. Công tác khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tiết kiệm NSNN, được dư luận xã hội, nhân dân đồng tình.

Tuy vậy, một số loại tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù vẫn chưa có tiêu chuẩn, định mức. Định mức trang bị, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo cơ chế tự nguyện, nên còn ít người đăng ký áp dụng.

Liệu báo cáo đã phản ảnh đúng tình hình?

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn cho biết, bên cạnh nhiều nơi chưa báo cáo hoặc báo cáo mà không có số liệu gì cụ thể, thì có địa phương còn… gửi nhầm báo cáo của năm 2016. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải sau đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Chúng tôi chưa nhận được thì coi như là chưa báo cáo”.

Bình luận về điều này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Chính phủ cho biết, có đến 17/34 bộ, 17 địa phương, 13 tập đoàn, tổng công ty chưa nghiêm túc thực hiện việc báo cáo về vấn đề này. Số lượng cơ quan đơn vị chưa báo cáo đầy đủ còn lớn như thế thì việc đánh giá tình hình có sát thực không? Thậm chí cả một cơ quan thuộc Bộ Tài chính là SCIC cũng chưa có báo cáo! Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những đơn vị sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhiều nhất, mà còn tới hơn một nửa chưa gửi báo cáo”.

Tán thành đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận định, báo cáo còn ít số liệu so sánh, cũng chưa biểu dương hay phê phán, đề nghị xử lý trách nhiệm của bộ ngành, địa phương nào một cách cụ thể. Ông Nguyễn Văn Giàu lo lắng: “Riêng việc sử dụng sai nguồn kinh phí tiền lương đã lên đến hàng trăm tỷ đồng như thế là quá nguy hiểm, dẫn đến không công bằng trong quản lý ngân sách nhà nước. Phát hiện xong có thu hồi hay không? Ngược lại, một số chính sách thí điểm được coi là tốt, nhưng lại chưa được đánh giá cụ thể như khoán xe công, mua sắm tập trung”.

Phản hồi ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày hôm nay (12/4) sẽ đề nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu những đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện việc báo cáo theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Về xử lý số biên chế dôi dư, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ “không phải là cắt cơ học”. Bộ trưởng tiếp thu yêu cầu đánh giá cụ thể việc thực hiện chủ trương khoán xe công, trung tâm hành chính công và cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm chuẩn hoá số liệu của năm 2017, hoàn chỉnh các báo cáo để gửi đến Quốc hội tại kỳ họp tới. Thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chính thức phê bình các bộ ngành, trong đó có cả Văn phòng Quốc hội, các địa phương, tập đoàn và tổng công ty chưa nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đích danh địa chỉ trách nhiệm và có hình thức xử lý. “Đây cũng là một nội dung giám sát của UBTVQH. Năm 2018, đây sẽ là lĩnh vực được thực thi quyết liệt hơn, cương quyết hơn, xử lý nghiêm túc hơn. Sẽ công bố công khai tình trạng lãng phí thất thoát ngân sách nhà nườc, đồng thời biểu dương các hành động thiết thực”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Tiếp tục rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ

Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định là một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; tăng cường kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và giám sát của người dân, cộng đồng dân cư đối với hoạt động đầu tư công.

Một mục tiêu khá quyết liệt khác được nêu rõ trong báo cáo là việc cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương. Đồng thời, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ; hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

.

Ngọc Khánh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo