Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Có sự chồng chéo, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 13/11, đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 và dành cả ngày thảo luận về nội dung này. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.462ha rừng. Địa bàn xảy cháy chủ yếu là khu vực thành thị khi chiếm 60,11% và có tới 5.636 số vụ cháy là tại nhà dân, chiếm 42,86%. Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 6.458 vụ, chiếm 57,27%; do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt là 3.291 vụ, chiếm 29,18%. Cháy lớn dù chỉ có 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, song hỏa hoạn từ các vụ cháy này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Nổi lên là nhiều cơ sở như ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM... nhiều khu dân cư tập trung nằm trong ngõ, hẻm sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Mật độ các phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, nhiều đô thị thường xuyên xảy ra ùn, tắc, khi có cháy xảy ra, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy rất khó di chuyển kịp thời đến địa điểm cháy…

Đại biểu Ngô Thị Minh Đại biểu Ngô Thị Minh

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề trách nhiệm và truy cứu trách nhiệm. Đánh giá nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn chủ yếu là từ phía con người, từ sự bất cẩn, lơ là, sự thiếu trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động trong việc phòng chống cháy nổ. Từ thực tế tham gia một số đoàn giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, có sự chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất, lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật và lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện cũng khá rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn đến hệ thống chung cư. Cả nước có hàng ngàn tòa chung cư, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM, trong đó ở TPHCM căn hộ chung cư chiếm khoảng 90% tổng nguồn cung cấp nhà ở, như vậy, việc phòng, chống cháy nổ cho hệ thống chung cư là điều chúng ta phải quan tâm để bảo vệ sự bình an cho người dân.

Cũng đề cập đến vấn đề trách nhiệm, từ dẫn chứng nhiều tòa chung cư cố tình lắp đặt các thiết bị đa phương tiện phòng cháy, chữa cháy không rõ nguồn gốc và xuất xứ, chất lượng kém, chưa được kiểm định, rất dễ hỏng, không thể báo cháy khi xảy ra cháy, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu trong mỗi mắt xích nhiệm vụ công việc, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp, có lộ trình cụ thể, giải pháp khả thi đủ mạnh, kể cả giáng chức người đứng đầu, thay thế cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ mà thiếu trách nhiệm, hiệu quả công việc kém. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương thường xuyên rà soát nhiệm vụ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, bảo vệ nhau không vì dân, vô cảm với cuộc sống của người dân và đẩy các kiến nghị chính đáng của người dân thành nhóm yếu thế, đơn lẻ, thất vọng.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo