Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng

Phiên họp Quốc hội chiều 21/10

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước, Chính phủ xây dựng tổng dự toán thu ngân sách tăng 3,8% so năm 2019. Về dự toán chi ngân sách năm 2020, Chính phủ dự kiến chi đầu tư phát triển tăng 41.300 tỷ đồng (tăng 9,6%) so với dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi ngân sách Nhà nước…

Đọc thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban thẩm tra ghi nhận Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây chưa được khắc phục triệt để. Chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm. Vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, chi thường xuyên vẫn còn cao trong khi nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển rất hạn chế.

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm. Chi cho đầu tư, phát triển vẫn còn hạn chế như tình trạng chậm giao vốn, thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.

Về dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2020, cơ quan thẩm tra đồng ý với đề xuất của Chính phủ là tăng 3,8% so năm 2019. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản tăng thu và giảm thu ngân sách trong năm 2020 để phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn (khoảng 4-4,5%).

Về bội chi ngân sách Nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban thẩm tra đồng ý với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi ngân sách Nhà nước 3,44% GDP. Ủy ban cũng đồng ý với Chính phủ khi đề cập đến vấn đề nợ công, đến hết năm 2020 dự kiến mức dư nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách Nhà nước như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách Nhà nước.

Về phương án phân bổ ngân sách năm 2020, Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển tăng 11,7% so với dự toán năm 2019. Sau khi trừ một số khoản chi chung theo nhiệm vụ, nguồn vốn còn lại của ngân sách Trung ương để phân bổ không nhiều, khoảng 112.900 tỷ đồng, tăng 32.300 tỷ đồng. Báo cáo thẩm tra cho rằng, đây là mức thấp không bảo đảm được vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Trong các đề xuất chi của Chính phủ, nổi bật có đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng thêm 110.000 đồng/tháng. Nếu đề xuất được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây.

Báo cáo thẩm tra nêu đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Nhưng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách Nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn chi đầu tư phát triển, khi phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương. Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giảm chi thường xuyên bằng các giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Cũng trong chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh chữa bệnh (KCB), bảo hiểm y tế năm 2015. Về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ KCB bảo hiểm y tế năm 2015, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sử dụng theo lộ trình như sau: từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm hạch toán 80% vào quỹ dự phòng, đồng thời thông báo 20% số kinh phí dành cho KCB chưa sử dụng hết cho địa phương để sử dụng theo thứ tự ưu tiên.

Theo báo cáo quyết toán quỹ bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư quỹ KCB tổng số là 5.838 tỷ đồng; phần 20% để lại cho địa phương sử dụng là 1.167 tỷ đồng. Số còn lại 15.031 triệu đồng, các địa phương không sử dụng hết được thu hồi chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo