Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bức xúc tình trạng lãng phí trong ngành y tế, công thương

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế, Bộ Công thương. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung các buổi làm việc.

Thực hiện kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát, Tổ công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Tổ trưởng đã làm việc với Bộ Y tế và có báo cáo kết quả rà soát về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế.

Báo cáo của Tổ công tác nêu rõ, việc giải ngân vốn đầu tư hàng năm còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhìn cung còn thấp, gây lãng phí nguồn lực, nhất là đối với nguồn vốn nước ngoài ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư cho bệnh viện tuyến cuối. Tiến độ một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quy định của háp luật trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, test kit Covid-19, nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sử dụng tài sản công, chưa kiểm soát được hết tiêu cực xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu…

Nhiều ý kiến cũng nêu tồn tại phổ biến ở các bệnh viện công hiện nay, đó là có nhiều bệnh viện công tổ chức phòng khám dịch vụ, khu điều trị dịch vụ, máy móc dịch vụ. Điều này ẩn chứa nguy cơ lạm dụng nhân lực tại bệnh viện công, lãng phí đất đai, cơ sở máy móc thiết bị được trang bị bằng vốn đầu tư công. Một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng có sự nhập nhèm trong quản lý của nhiều cơ sở y tế; chưa rõ căn cứ, cơ sở nào để kiểm soát giá tại các phòng khám dịch vụ, khu điều trị vụ. Do đó, đề nghị Bộ Y tế cần sớm rà soát lại hoạt động khám chữa bệnh dịch vụ tại bệnh viện công để chống lãng phí đầu tư công, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Đặc biệt, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn; Bộ Y tế luôn đứng top đầu chậm giải ngân vốn đầu tư công. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của ngành đến thời điểm này mới đạt 3,1%. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm, liên quan đến nhiệm kỳ trước. Hiện việc giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vướng mắc tại các dự án xây dựng các bệnh viện, nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Những bất cập tại các dự án này đã vượt thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của Nhân dân, trong đó có cán bộ nhân viên ngành y. Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc (6 tháng năm 2022, gần 10.000 viên chức y tế trong bệnh viện công xin thôi việc); tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công là vấn đề cần được quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế tiếp thu ý kiến đoàn giám sát, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết, kiệm, chống lãng phí và hệ thống chính sách pháp luật liên quan, với trách nhiệm quản lý ngành..

Đoàn giám sát của Quốc hội về  thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Công thương, báo cáo của Tổ công tác đoàn giám sát cho thấy, qua thông tin, số liệu các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, than, đều chậm tiến độ, một số dự án thua lỗ nặng… Đây là những thất thoát lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước và tiếp tục thua lỗ, thất thoát, lãng phí nếu không đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành theo kế hoach.

Phát biểu tại buổi làm việc, một số ý kiến của đoàn giám sát chỉ rõ, quy hoạch ngành điện gắn với sử dụng tiết kiệm hiệu quả còn chậm và chưa đạt yêu cầu đề ra. Điển hình như việc phát triển điện gió thời gian qua đã gây lãng phí lớn về nguồn lực cho xã hội, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ít nhất 3 lần Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ trước trả lời chất vấn về quản lý và phát triển điện gió nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nêu thực trạng lãng phí tại các dự án thủy điện; thất thoát, lãng phí trong đầu tư ngoài ngành, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí; chưa đánh giá, hạch toán kỹ lưỡng việc khai thác các tài nguyên mới để tránh thất thoát thu ngân sách nhà nước.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, Bộ Công thương là cơ quan tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có nhiều ngành trọng yếu như điện, than, dầu khí, năng lượng mới, công nghiệp thực phẩm, công nghệ cao, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử… Đây là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nên việc thực hiện tốt chính, sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành có ý nghĩa quan trọng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung của cả nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo