Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bộ đội biên phòng không có sự chồng chéo với lực lượng Công an nhân dân

Đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) phát biểu góp ý tại phiên thảo luận trực tuyến về Luật Biên phòng Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp 10 Quốc hội khoá XIV, chiều 21/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận.

Đã tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý lại khái niệm “Biên phòng” đảm bảo phù hợp quan điểm của Đảng và quy định của các luật khác như sau: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về Luật Biên phòng Việt Nam Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về Luật Biên phòng Việt Nam

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực ở biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu nên có sự giao thoa nhất định với một số luật. “Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh và cho biết đối với chính sách của Nhà nước về biên phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại Điều này, quy định về chính sách của Nhà nước về biên phòng, có bổ sung chính sách đặc thù như thể hiện trong dự thảo Luật.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nhiệm vụ biên phòng là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Dự thảo Luật quy định ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân, hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu còn có các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng này là phù hợp. Đồng thời, đây là cơ sở để quy định một số chế độ, chính sách cho từng lực lượng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định trong dự thảo Luật.

Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản cho phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 6 chương, 36 điều.

Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu

Tại phiên thảo luận trực tuyến, đa số các đại biểu đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu góp ý từ Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XIV. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị nghiêm cấm; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng; nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; trang bị của Bộ đội Biên phòng; bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng…

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng cần quy định Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung trong mục ưu tiên cư dân ở khu vực Biên giới.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) cho rằng việc chỉ định lực lượng chuyên trách làm nòng cốt là hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh đó, ở khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, an ninh riêng mà căn cứ vào đó Bộ đội biên phòng thực thi nhiệm vụ của mình, những quy định đó có sự khác biệt với an ninh nội địa. An ninh biên giới, trật tự biên giới do Bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm giữ vai trò chủ trì là đúng, có nhiệm vụ nào cần phối hợp với lực lượng công an thì chắc chắn rằng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của 2 lực lượng này không chồng chéo lên nhau. “Theo nguyên tắc này thì ở các cấp chính quyền địa phương cũng đều phải có quy chế phối hợp hoạt động.”- Đại biểu Nguyễn Văn Chương nhấn mạnh.

Một số ý kiến cho rằng với việc có lực lượng trinh sát thì việc cho phép Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu sẽ là một chính sách hữu hiệu để xử lý hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển vũ khí, ma túy qua biên giới. Xét về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa Bộ đội biên phòng và hải quan là hoàn toàn khác nhau. Hải quan kiểm tra, kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh xem có đầy đủ giấy tờ xuất, nhập khẩu theo đăng ký hay không. Còn Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát đảm bảo về an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và cửa khẩu.

Quang cảnh tại phiên thảo luận trực tuyến về Luật Biên phòng Việt Nam Quang cảnh tại phiên thảo luận trực tuyến về Luật Biên phòng Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho rằng: Trong Dự án Luật quy định những chính sách lớn của Nhà nước về thực thi nhiệm vụ biên phòng với các quan điểm, nội dung toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với sự tham gia của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Vì vậy, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, về nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành, nên dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Trên cơ sở đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chủ trì, tham gia, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: những nội dung của dự thảo luật được rà soát, đảm bảo đồng bộ thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa theo góp ý của ĐBQH. Các quy định của dự thảo luật đã bám sát với chủ trương, chính sách lớn, tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ trong công tác xây dựng quản lý biên giới quốc gia, khu vực biên giới; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng ngày càng vững mạnh phù hợp với tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các đại biểu còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam nêu gửi văn bản góp ý cho Ban Thư ký. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng như các ý kiến góp ý gửi về, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo