Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bộ Luật hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015:

Bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Trần Thế Lưu, cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/4, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến các nội dung cơ bản của Bộ Luật Hình sự (LHS) năm 2015 và Bộ Luật Tố tụng hình sự (LTTHS) năm 2015. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự có cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước.

Tại đầu cầu TPHCM, tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP Trần Thế Lưu; cán bộ, công chức Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan nội chính cấp ủy trên địa bàn TP.

Bộ LHS năm 2015 gồm 26 chương, 426 điều. Bộ LTTHS năm 2015 có 9 phần, 36 chương, 510 điều. Cả hai bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: Bộ LHS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; đồng thời bổ sung thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình là người đủ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình. Bộ LHS năm 2015 đã bỏ tử hình ở 7 tội danh. Bên cạnh đó, những quy định của Bộ LHS năm 2015 góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả trong tinh hình mới; góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

Bộ LTTHS năm 2015 có những nội dung mới như: Hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của TTHS nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013. Đồng thời, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm luật định. Bên cạnh đó, phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong giai đoạn tố tụng nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập của thực tiễn. Quy định chặt chẽ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết: Hai bộ luật với những nội dung được sửa đổi là một bước nhằm thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, áp dụng nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, các tổ chức. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trong tình hình mới.

Nội dung hai bộ luật này có nhiều đổi mới; trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức cả về chính sách hình sự, cả về vấn đề tội phạm và hình phạt. Do đó, việc nắm vững nội dung cũng như những điểm mới của hai bộ luật này sẽ giúp Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các địa phương thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng xử lý các vụ án, vụ việc, cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện và chấp hành pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo