Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Báo chí - Xuất bản đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính

(Ảnh minh họa: nguồn Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) – TPHCM vừa phát động phong trào thi đua năm 2019 trên toàn TP với chủ đề “Năm đột phá cải cách hành chính (CCHC) và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội”. Đi đôi với việc thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, nên chăng TPHCM cần thường xuyên đề cao công tác tuyên truyền rộng rãi, đa dạng nhiệm vụ này. Điều đó vừa giúp người dân tham gia nhiều hơn vào việc giám sát cải cách hành chính, thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh, vừa tạo điền kiện để các dịch vụ hành chính công theo phương thức mới sớm đi vào cuộc sống...

Chú trọng CCHC thông qua các cơ quan báo chí, xuất bản

Thực tế trước đây, do công tác tuyên truyền chưa được chú trọng đúng mức nên những nội dung về tiến trình, kết quả CCHC chưa đến với người dân, chậm lan tỏa trong đời sống xã hội. Trên một số lĩnh vực, dù các đơn vị, địa phương có nhiều cải cách nhưng chỉ số hài lòng của người dân vẫn còn thấp, điều này một phần do người dân ít có thông tin về những việc cơ quan chức năng đã thực hiện, một phần nhiều chính sách mới, trình tự thủ tục giải quyết các dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến chưa được nhiều người biết đến nên chậm được triển khai trên diện rộng.

Chính vì vậy, các sở, ngành, quận, huyện, báo chí, xuất bản phải đổi mới và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong công tác cải cách hành chính. Các địa phương cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động người dân tham gia vào quá trình giám sát cũng như thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Thực tế nhiều địa phương đã có sáng tạo trong việc tuyên truyền như đăng tải trên trang thông tin điện tử, gửi tờ rơi đến từng hộ gia đình, giới thiệu về dịch vụ công trực tuyến...

Bên cạnh đó, TP cần chú trọng CCHC thông qua các cơ quan báo chí, xuất bản để giới thiệu những việc đã làm được trong CCHC, những nội dung đang được triển khai trong việc đưa công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Sau nhiều nỗ lực, hiện nay các hoạt động liên quan đến công tác CCHC đã đến gần với người dân hơn. Điều này thể hiện ở chỉ số hài lòng của nhân dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực đã tăng.

Tuy nhiên, những điều cốt lõi, động lực chính yếu thúc đẩy việc CCHC nhanh và hiệu quả nhất chính là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện CCHC đối với các cơ quan nhà nước;…

Với yêu cầu mới đặt ra thì báo chí và xuất bản cũng góp phần quan trọng, đó là báo chí cần đẩy lên một mức độ cao hơn khi tuyên truyền về CCHC. Bởi ngay cả các cơ quan làm công tác khảo sát chỉ số hài lòng cũng đã phân tích, một số nội dung trong phiếu khảo sát cho thấy không ít người dân chưa hiểu rõ về trình tự thủ tục, năng lực vận hành của cơ quan hành chính, nhất là hệ thống “một cửa liên thông”...

Vì vậy, hướng phấn đấu là thủ tục hành chính phải được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính phải đạt trên 80%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực cần đạt trên 90%; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%...

Rất cần sự tham gia của báo chí - xuất bản và người dân

Một trong những giải pháp hiệu quả có lẽ là việc đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến vào phổ biến trong nhà trường. Từ đây, mỗi giáo viên, mỗi học sinh sẽ là một người tuyên truyền, hướng dẫn về trình tự thủ tục hành chính cho gia đình, người thân, hàng xóm. Một giải pháp khác là TP có thể vận động theo hướng xã hội hóa để xây dựng các ki ốt điện tử có tính năng tra cứu, tiếp nhận thông tin về cải cách hành chính, trình tự thủ tục hành chính, dịch vụ công. TP nên bắt đầu vận hành thường xuyên và bài bản cổng thông tin tiếp nhận, giải đáp cho nhân dân về các thủ tục hành chính...

Để việc CCHC diễn ra thuận lợi, đúng thực chất và không đầu voi đuôi chuột, thiết nghĩ các đồng chí lãnh đạo TP nên dành thời gian đóng vai người dân đi thực tế mà không báo trước để tận mắt chứng kiến và kiểm tra việc thực hiện CCHC ở các nơi, đồng thời trực tiếp hỏi han người dân ngay tại các công sở vốn trước nay bị nghĩ là hay làm khó, hạch sách, gây phiền hà cho nhân dân.

Thực hiện được việc này thì kết quả CCHC sẽ tốt hẳn lên và qua đó so sánh với báo cáo của các nơi gửi về để chỉ đạo và đánh giá chính xác công việc. Riêng các sở ngành, quận, huyện, phường, xã cần thiết phải tổ chức các cuộc kiểm tra chéo một cách nghiêm túc, không nể nang, xuê xoa, không ngại đụng chạm. Trong các đoàn kiểm tra ấy rất cần có sự tham gia của HĐND, Ủy ban MTTQ cùng cấp. Nếu nơi nào còn có thêm sự tham gia của các tổ chức như cựu chiến binh, cán bộ hưu trí thì càng tốt,…

CCHC trong lộ trình tiến tới xây dựng một chính quyền điện tử, một đô thị thông minh là nhiệm vụ của chính quyền nhưng thực hiện nhiệm vụ đó có đạt yêu cầu hay không thì rất cần sự tham gia của báo chí - xuất bản và người dân, từ khâu đóng góp ý kiến, giám sát và đặc biệt là sử dụng dịch vụ công. Các giải pháp ấy sẽ hỗ trợ tích cực cho việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”…

Trong mối quan hệ ấy, báo chí - xuất bản cần không ngừng tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ và hiệu quả để người dân tiếp cận được nội dung, kết quả của CCHC. Để đạt được yêu cầu này thì cần thực hiện việc kết nối camera giám sát tại các điểm nhạy cảm; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phương pháp phù hợp để ghi nhận khách quan sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là công bố định kỳ kết quả hài lòng của người dân, doanh nghiệp; công bố quy trình phối hợp giữa các sở với quận, huyện có thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp…

Hơn lúc nào hết, “ý thức tôn trọng Nhân dân” ở khía cạnh đạo đức cần phải được coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cán bộ, đảng viên phải luôn có ý thức tôn trọng Nhân dân, luôn tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vận dụng vào công cuộc CCHC hiện nay, chính là luôn nhớ lời Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với nhân dân khi thực hiện công cuộc CCHC.

Dương Vũ Thông (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TPHCM)

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo