Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

10 tháng đầu năm, bắt gần 30.000 đối tượng phạm tội về ma túy

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Thư khen cho các ban chuyên án. (Ảnh: Như Hà)

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 22/11, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) tổ chức hội nghị sơ kết các chuyên án ma túy điển hình và đón nhận Thư khen của Thủ tướng Chính phủ. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo C04, trong 10 tháng đầu năm 2022, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã khám phá gần 20.000 vụ, bắt gần 30.000 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 677kg heroin, gần 4,6 tấn ma túy tổng hợp, 259kg cần sa, 104kg thuốc phiện, 185 khẩu súng cùng nhiều vật chứng liên quan, truy bắt hơn 100 đối tượng truy nã về ma túy, trong đó có đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài có lệnh truy nã quốc tế.

Riêng C04, tổ chức đấu tranh, khám phá 78 vụ, bắt giữ 260 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ gần 100kg heroin, 781kg ma túy tổng hợp, làm rõ các đối tượng trong chuyên án đã mua bán, vận chuyển trên 1,6 tấn ma túy tổng hợp từ nước ngoài về Việt Nam cùng nhiều vật chứng có liên quan.

Lãnh đạo C04 cho biết, ma túy nói chung và đặc biệt là ma túy tổng hợp nói riêng đang diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới và trong khu vực. Những năm qua, số lượng ma túy thu giữ trên toàn cầu tăng khoảng 30% mỗi năm, một số nơi tăng đột biến đến 80% và ngày càng có xu hướng phức tạp, gây hậu quả nặng nề.

Việt Nam cách khu vực Tam giác vàng, trung tâm sản xuất ma tuý lớn trên thế giới khoảng 500km. Từ nhiều năm qua, ma túy được vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng vào tỉnh Bò Kẹo của Lào đi qua các tỉnh của Lào và Campuchia rồi thẩm lậu vào Việt Nam qua 10 tuyến chính. Với đường biên giới trải dài, tiếp giáp với các quốc gia Trung Quốc, Lào và Campuchia, địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu và hàng trăm các đường mòn, lối mở nên công tác kiểm soát và ngăn chặn ma túy gặp rất nhiều khó khăn.

Ở trong nước, tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, nhất là trên các tuyến biên giới trọng điểm (Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam, trong đó nóng bỏng và phức tạp nhất, là tại các địa bàn giáp ranh trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia). Tội phạm ma túy hoạt động hết sức manh động, liều lĩnh, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự diễn biến phức tạp.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội mà trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, C04 đã chủ động triển khai lực lượng, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chương trình, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh mạnh, quyết liệt với tội phạm ma túy, phòng ngừa ma túy từ sớm, từ xa; trọng tâm là Chỉ thị 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia; Phương án nghiệp vụ số 02 của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam… góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo