Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

“Nhập siêu văn hóa” nhìn từ góc độ vi mô

Hình ảnh du lịch TPHCM xuất hiện tại Tuần lễ Busan - ASEAN 2021 với chủ đề "The colorful fragrance of ASEAN" tại Trung tâm Điện ảnh Busan, vào tháng 11/2021. (Ảnh: phunuonline.com.vn)
(Thanhuytphcm.vn) - Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước - báo cáo trung tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội - đã đưa ra một nhận định khá mới là “‘nhập siêu văn hóa” kéo dài”.

Báo cáo đã có những nhìn nhận khá thẳng thắn. Đó là “sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam chất lượng chưa cao nên hiện khó vào được thị trường văn hóa ở nhiều nước. Việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài mới chỉ có ở một số địa bàn, khu vực”. Đồng thời, “việc quản lý khách du lịch và hoạt động văn hóa nghệ thuật của một số tổ chức, trung tâm văn hóa nước ngoài còn bị động”.

Bên cạnh đó, “không ít cơ quan thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá phim ảnh, chương trình, sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật thiếu thận trọng chọn lọc, thẩm định dẫn tới sai sót, vi phạm”. Đặc biệt, Báo cáo nhấn mạnh: “Công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt sản phẩm văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, thậm chí có những sản phẩm độc hại”. Trong khi đó, “một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý sính ngoại, tiêu dùng sản phẩm văn hóa cũng như tiếp nhận lối sống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”...

“Nhập siêu” là thuật ngữ thường dùng trong lĩnh vực thương mại, khi cán cân thương mại có giá trị âm, tức kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu. Như vậy, “nhập siêu văn hóa” là trạng thái chúng ta giới thiệu, quảng bá, xuất khẩu văn hóa phẩm ra nước ngoài ít hơn lượng nhập khẩu. Chính số liệu trong báo cáo này cũng đã nêu: lần lượt trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, tổng số phim truyện được phát hành trong từng năm là 242, 191, 98, trong đó phim truyện Việt Nam lần lượt là 41, 32, 18, còn phim truyện nước ngoài là 201, 159, 78. Hay triển lãm mỹ thuật ra nước ngoài trong 3 năm chỉ có 1 cuộc, triển lãm nhiếp ảnh chỉ có 3 cuộc… Hay các hoạt động khác như “Tuần lễ Việt Nam”, các lễ hội… được tổ chức ở nước ngoài cũng không nhiều; trong các năm 2020 – 2021 thì càng hiếm do tác động của dịch Covid-19[1]. Trong khi đó, sự tác động của văn hóa nước ngoài thì bằng rất nhiều cách, với nhiều loại hình, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng…

Trên thực tế, “nhập siêu văn hóa” nhìn ở góc độ vi mô cũng rất đáng chú ý. Đó là hiện tượng các cá nhân hấp thụ, chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài khá sâu đậm và nổi bật hơn là việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; đồng thời, các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thương mại cũng chuộng việc giới thiệu các sản phẩm nước ngoài vào nước ta hơn là làm ngược lại. Điều này thể hiện khá rõ qua việc giới trẻ Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sành nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc hay Âu Mỹ hơn là các thể loại dân ca và gần như ít mạnh dạn, tự tin giới thiệu tinh hoa âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Năm 2016, trong buổi gặp Tổng thống Mỹ Obama đang ở thăm chính thức Việt Nam, một bạn trẻ đã rất tự tin và hồn nhiên hát cho vị quốc khách nghe một bài… rap thay vì hát một làn điệu dân ca hoặc một câu vọng cổ!

Ca sĩ người Mỹ Kyo York ra MV "Sài Gòn thương", lồng ghép các bức vẽ người dân đùm bọc nhau trong dịch bệnh, vào tháng 8/2021. Đây là tranh họa sĩ Lê Sa Long vẽ tặng Kyo York nhân MV "Sài Gòn thương". (Ảnh: Vnexpress.net) Ca sĩ người Mỹ Kyo York ra MV "Sài Gòn thương", lồng ghép các bức vẽ người dân đùm bọc nhau trong dịch bệnh, vào tháng 8/2021. Đây là tranh họa sĩ Lê Sa Long vẽ tặng Kyo York nhân MV "Sài Gòn thương". (Ảnh: Vnexpress.net)

Hay nhiều tác phẩm điện ảnh của Việt Nam gây chú ý lại được phóng tác từ bản gốc của một tác phẩm điện ảnh nước ngoài hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc. Trong đó, bên cạnh một số tác phẩm ghi rõ phóng tác thì cũng có phim tưởng chừng là “thuần Việt” nhưng thực chất có cốt truyện gần với một phim từng đình đám. Hay một số ca khúc được ưa chuộng cũng viết lại lời Việt từ một phiên bản nước ngoài hoặc tác giả chịu ảnh hưởng từ một bản nhạc, ca khúc nào đó rồi mới Việt hóa. Hoặc hiện tượng một số tác phẩm (truyện, hồi ký…) nổi tiếng của nước ngoài từng được người đọc Việt Nam chờ đợi và hưởng ứng khá nhiệt tình với các hoạt động sau đó.

Như vậy có thể thấy, sự tiếp thu các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài của một bộ phận người dân là khá chủ động với sự quan tâm và chịu ảnh hưởng nhất định, nhất là giới trẻ. Trong khi đó, các giải pháp làm lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới khi họ đang ở Việt Nam lại khá thụ động. Để khắc phục điều này, cần có nhiều giải pháp tích cực hơn ngay từ trong nhà trường để mỗi học sinh có ý thức và sự chuẩn bị những vốn liếng văn hóa cần thiết phục vụ việc giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế.

Trong phần giải pháp, Báo cáo về phát triển văn hóa của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu một định hướng đáng chú ý: “Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam”, tức là đề cao hơn nữa vai trò của các trí thức, nghệ sĩ người Việt đang ở nước ngoài, những người có lợi thế lớn về ngôn ngữ, kiến thức để có thể có những cách quảng bá văn hóa Việt Nam hiệu quả. Đồng thời, “chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài”. Các giải pháp này đối với TPHCM đều có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Và suy cho cùng, để hạn chế “nhập siêu văn hóa” phải hài hòa giữa yếu tố vĩ mô (chủ trương, chính sách, định hướng…) với yếu tố vi mô (con người, tổ chức, giải pháp cụ thể…) và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều cách thức.

Trúc Giang
-------
[1] Trong năm 2021, có một số hoạt động đáng chú ý như: Tuần lễ Quốc tế tại Ấn Độ (diễn ra cào tháng 3/2021), Tuần lễ hàng Việt Nam – tuần lễ Ẩm thực Việt Nam tại Bỉ (tháng 10), Tuần lễ Hàng tiêu dùng Việt Nam tại Pháp (tháng 11)…

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo